SỞ TÀI CHÍNH

http://stc.binhphuoc.gov.vn


Đứng vững nhờ tự lực

Những năm gần đây, huyện Đồng Phú chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, định hướng chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP; tập trung cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn và một số loại rau củ quả để cung ứng ra thị trường. Vườn dưa lưới của anh Phạm Tùng Lâm (1987) tại ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến là một trong những mô hình kinh tế mang lại giá trị cao.
Đứng vững nhờ tự lực

Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Phạm Tùng Lâm tự chọn hướng đi riêng là khởi nghiệp từ trồng dưa lưới theo công nghệ của Israel. Anh thuê đất ở ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến để sản xuất từ năm 2015. Với diện tích nhà kính hơn 1.300m2, gia đình đã trồng gần 55.000 gốc dưa trong 11 nhà màng. Mỗi nhà có lưới ngăn côn trùng gây hại. Mái bằng vải nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió, hạn chế sâu bệnh từ bên ngoài tấn công, vườn thông thoáng, mát mẻ để cây dưa phát triển thuận lợi. Trồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao giúp dưa lưới cách ly côn trùng gây bệnh, ứng phó với sự thay đổi thất thường của thời tiết.

Vườn dưa lưới công nghệ cao của hộ anh Phạm Tùng Lâm cho hiệu quả kinh tế cao

Quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP mà anh Lâm ứng dụng gồm các công đoạn: Xử lý môi trường nhà màng, ươm hạt giống, tưới nước. Dưa lưới được trồng thành từng luống, mỗi luống 2 hàng, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel được anh điều chỉnh phù hợp với vườn dưa. Đây là hệ thống tưới nước tự động, tích hợp phân bón giúp giảm chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp chất dinh dưỡng và nước cung cấp đến tận gốc cây với lượng phù hợp, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Phân bón được pha vào hệ thống nước đảm bảo các nguyên tố vi lượng giúp cây phát triển cho trái ngọt.

Để nâng cao chất lượng trái, anh mua dụng cụ thử các chỉ số về độ nước, độ ngọt của dưa. Sản phẩm dưa lưới của gia đình anh Lâm được người tiêu dùng ưa chuộng, đảm bảo đầu ra. Nhìn những hàng dưa xanh mướt, trĩu trái đang đến độ thu hoạch mới thấy hết niềm say mê và công sức của anh Lâm. “Xuất thân làm nông, được đào tạo bài bản về ngành ươm giống, từ lâu tôi ấp ủ phải thực hiện một mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi chọn cây dưa lưới không chỉ vì hiệu quả kinh tế mà còn mong cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Tuy nhiên khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gặp khó khăn lớn về vốn đầu tư, phụ thuộc nguồn giống của nước ngoài. Về giống, anh Lâm chọn giống của Nhật sinh trưởng khỏe, cho trái to, độ ngọt đạt tiêu chuẩn. Với tổng chi phí đầu tư gần 7 tỷ đồng cho cơ sở vật chất nhà lưới, hệ thống tưới, máy phun sương tại 11 nhà màng đang trồng dưa và mở rộng thêm 6 nhà màng, làm sao để dưa đạt năng suất, trái ngon, sạch, sớm thu hồi vốn là trăn trở của kỹ sư nông nghiệp Phạm Tùng Lâm. Anh cho biết, việc chăm sóc dưa đòi hỏi phải kỹ lưỡng, bởi dưa lưới là loại cây khó tính và dễ mẫn cảm với thời tiết, côn trùng. Vì vậy, cần chú trọng chăm sóc và có biểu đồ dinh dưỡng hợp lý. Với 70-75 ngày/vụ, dưa lưới công nghệ cao 1 năm trồng được 4 vụ, năng suất đạt từ 3,5-4 tấn/1.000m2, giá thu mua tại vườn từ 40-45 ngàn đồng/kg. Mỗi năm anh thu lời gần 1,5 tỷ đồng. Vườn trồng dưa lưới của anh Lâm đã tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa bàn, phần lớn là những lao động lớn tuổi khó kiếm việc làm, có kinh nghiệm nông nghiệp.

Với đam mê của người nông dân thời đại công nghệ, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao của anh Phạm Tùng Lâm hứa hẹn nhiều triển vọng xây dựng thương hiệu nông sản của Đồng Phú trong thời gian không xa.

Theo http://baobinhphuoc.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây