SỞ TÀI CHÍNH

http://stc.binhphuoc.gov.vn


Luật Quản lý thuế sửa đổi: Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Luật quản lý thuế sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm các bộ ngành trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên không thể kỳ vọng việc sửa đổi 1 luật có thể khắc phục ngay tình trạng khó quản lý và còn thất thu đối với TMĐT. Đó là ý kiến của các chuyên gia tham dự hội thảo lấy ý kiến cho Luật Quản lý thuế (sửa đổi), do Tổng cục Thuế phối hợp với VCCI, Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức vào ngày 7/8.

anh cao tuan.jpg

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại Hội thảo

Theo ban soạn thảo, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới. Hoạt động kinh doanh TMĐT có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các DN. Ở Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh này như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, các mạng xã hội của nước ngoài.

Về cơ chế, chính sách, Luật Quản lý thuế hiện hành đã tạo nền tảng và cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và TMĐT thông qua các điểm trọng yếu như: cơ chế tự khai - tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử). Tuy nhiên để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và TMĐT nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể và các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này. Chính vì vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng: xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online, đảm bảo 100% người nộp thuế có điều kiện tiếp cận các phương tiện này để bắt kịp với TMĐT. Mở trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế những tiện ích để tổ chức, các nhân có thể dễ dàng đăng ký, sử dụng hóa đơn, nộp thuế điện tử. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại; Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông,…

Đánh giá về những quy định mới về quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, Luật Quản lý thuế lần này đã có một bước tiến lớn và đã tiếp thu điều chỉnh những vấn đề mà thực tiễn phát sinh, chuyển động theo hướng phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và phục vụ nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của DN. Riêng về quản lý thuế với hoạt động kinh doanh trên mạng, TMĐT, Luật đã giải quyết được vấn đề lớn. Đó là đã kinh doanh là phải nộp thuế, qua đó tạo ra sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư, DN. Tuy nhiên bài toán thu thuế kinh doanh qua mạng là vấn đề đau đầu không chỉ của Việt Nam mà cả các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy, việc luật hóa rất quan trọng, bởi qua đó tạo ra cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước tăng cường phối hợp trong công tác quản lý.

Tại Hội thảo các chuyên gia cũng cho rằng, mô hình kinh doanh qua mạng, TMĐT đang phát triển khá mạnh ở Việt Nam. Chính vì vậy, vai trò của Nhà nước không phải ngăn cấm, hạn chế mà là khuyến khích các DN phát triển song vẫn phải đảm bảo thức hiện đúng chức năng quản lý và thu thuế. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải sửa nhiều luật mới giải quyết được tận gốc của vấn đề. Trước hết là phải có quy định hạn chế không dùng tiền mặt, tiếp đó cần có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước để quản lý tốt người nộp thuế.

Một số ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng: để quản lý hiệu quả hoạt động TMĐT cần có thời gian, bởi hiện nay hoạt động kinh doanh của Grab vẫn gây ra cách hiểu khác nhau ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy trước mắt Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm các nước khác và tiến hành thí điểm chính sách, có thể theo phạm vi hẹp, ví dụ như giữa các thành phố khác nhau áp dụng mô hình thu thuế khác nhau. Từ thí điểm chính sách, Nhà nước sẽ tìm được mô hình quản lý phù hợp vừa thúc đẩy phát triển, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý.

Tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Thuế đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cộng đồng DN, đồng thời khẳng định những ý kiến đó sẽ được ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế./.

                  

Dự thảo Luật Quản lý thuế đã bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT. Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính kết nối, cung cấp thông tin liên quan để quản lý thuế đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT. Bộ Thông tin truyền thông có trách nhiệm kết nối, cung cấp thông tin liên quan để quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT.

 

  

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây