SỞ TÀI CHÍNH

http://stc.binhphuoc.gov.vn


Mức độ hài lòng của doanh nghiệp với hải quan được cải thiện

Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2018 do Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành Hải quan đã được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát so với năm 2015. Đây là sự ghi nhận đáng khích lệ đối với những nỗ lực cải cách của ngành Hải quan trong những năm qua.

Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện thủ tục hành chính hải quan giảm đáng kể

Đánh giá về chất lượng thông tin khi doanh nghiệp (DN) tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan, 91% DN tham gia trả lời đánh giá thông tin cơ quan Hải quan cung cấp là thống nhất, 90% DN đánh giá thông tin thủ tục hành chính sẵn có dễ tìm. So với số liệu năm 2015, 2 tỷ lệ này lần lượt là 77% và 81%.

Đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan, kết quả khảo sát DN năm 2018 cho thấy tỷ lệ DN gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục (% khó và rất khó) giảm đáng kể so với năm 2015. Điển hình như thủ tục Kiểm tra hồ sơ và Kiểm tra thực tế hàng hóa trong thủ tục thông quan, tỷ lệ này là 6% (năm 2015 là 11%) và 14% (năm 2015 là 21%). Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế là 23% so với năm 2015 là 31%.

Khi gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan, trong 2.907 DN trả lời thì có tới 85% DN cho biết tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan hải quan. Kết quả, 79% DN đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan hải quan “phần lớn và hoàn toàn” kịp thời; 84% DN cho biết sự hỗ trợ của cơ quan hải quan là phần lớn hoặc hoàn toàn hiệu quả.

Về hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), từ tháng 8/2017, Tổng cục Hải quan bắt đầu triển khai thí điểm Hệ thống VASSCM. Theo đó, thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử với cơ quan kinh doanh cảng, kho, bãi tại một số đơn vị lớn. Tính đến ngày 8/8/2018, Hệ thống quản lý hải quan tự động được thực hiện tại 5 cục hải quan địa phương gồm: Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh với 81 DN kinh doanh kho, bãi, cảng tham gia. Đến tháng 11/2018, Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi đã được triển khai tại 25/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố cho 192 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.

Tuy mới được triển khai, nhưng tỷ lệ DN cho biết đã từng thực hiện thủ tục xác nhận hàng hóa qua hệ thống quản lý, giám sát tự động tại cảng biển, cảng hàng không là tương đối cao. Trong số 2.740 DN có cung cấp thông tin về nội dung này, có 43% DN (1.165 doanh nghiệp) cho biết đã từng thực hiện thủ tục nói trên.

Từ khi triển khai hệ thống VASSCM, hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản hơn; bỏ hẳn được thủ tục xác nhận của hải quan giám sát tại cổng cảng; giảm tiếp xúc giữa hải quan và DN; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của DN XNK; khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi, tốc độ giao hàng nhanh hơn, góp phần làm giảm thời gian thông quan/giải phóng hàng, giảm chi phí quản lý hành chính…

Những DN từng thực hiện thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan qua hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đánh giá hệ thống giám sát hải quan điện tử đặc biệt hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, với 67% DN nhận thấy lợi ích này; 62% DN đánh giá hệ thống giúp giảm thiểu các vướng mắc khi thực hiện thủ tục; 49% DN cho rằng hệ thống điện tử làm giảm chi phí thực hiện thủ tục hải quan cho DN.

Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của cơ quan hải quan

Cũng theo kết quả khảo sát, DN đánh giá cao sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của công chức Hải quan ở tất cả các thủ tục. Trong đó: Thủ tục thông quan, khâu Kiểm tra hồ sơ có tới 70% DN đánh giá khá và tốt trong khi tỷ lệ này năm 2015 là 60%; Thủ tục quản lý thuế, khâu Hoàn thuế không thu thuế có tới 54% DN đánh giá khá tốt so với tỷ lệ này năm 2015 là 44%.

Tương tự, có tới 62% DN đánh giá khá và tốt cho kỹ năng giải quyết công việc của công chức Hải quan ở cả Thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa và Thủ tục nộp thuế so với năm 2015 lần lượt là 54%, 49%.

Đáng chú ý, các chỉ số liên quan đến chi phí ngoài quy định có sự cải thiện vượt bậc. Chỉ có 18% DN tham gia trả lời cho biết phải trả chi phí ngoài quy định so với tỷ lệ này trong cuộc khảo sát 2015 là 28%. Có tới 56% DN tham gia trả lời cho biết không phải trả phí ngoài quy định trong khi tỷ lệ này của 2015 chỉ là 37%.

Tỷ lệ DN bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí không chính thức cũng có sự thay đổi, năm 2018 chỉ còn 15% so với năm 2015 là 31%.

Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các đơn vị khảo sát độc lập như Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam để hoàn thiện hơn phương pháp, cách thức triển khai hoạt động khảo sát, hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá đảm bảo tính đầy đủ, khách quan, chính xác sự hài lòng của DN xuất nhập khẩu đối với sự phục vụ, chất lượng dịch vụ của cơ quan Hải quan. Ngoài ra, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện các cuộc khảo sát mức độ hài lòng về thủ tục hành chính hải quan tại từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, xếp hạng các Chi cục trong một Cục.

Cộng đồng DN cũng đánh giá cao sự cầu thị của ngành Hải quan trong những năm gần đây trong việc lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cộng đồng DN. Nhiều phản ánh, kiến nghị của DN qua các cuộc khảo sát trước đây đã được Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính kịp thời xử lý. Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục có thêm nhiều giải pháp cải cách, hiện đại hóa góp phần quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của người dân và DN.

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây