SỞ TÀI CHÍNH

http://stc.binhphuoc.gov.vn


Phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam và định hướng chính sách

Đó là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) phối hợp với Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổ chức sáng ngày 08/4/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh dưới sự đồng chủ trì của PGS.TS. Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện CL&CSTC và ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; đánh giá thực trạng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra; phân tích xu hướng phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam và định hướng hoàn thiện chính sách.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\A Dat ok.JPG

PGS.TS. Phạm Tiến Đạt phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội; một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh; một số trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh cùng hơn 100 doanh nghiệp bảo hiểm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Tiến Đạt cho biết, trên thế giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro, đề phòng và hạn chế tổn thất. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cũng góp phần hạn chế trục lợi bảo hiểm, tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường, tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm là sự gia tăng nhu cầu đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đây là xu hướng tất yếu. Nhu cầu sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đang sử dụng rất nhiều các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm: Hoạt động tư vấn, đánh giá rủi ro, tính phí, giám định tổn thất, hỗ trợ giải quyết bồi thường... Thực tiễn thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng cho thấy, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đang có ảnh hưởng ngày càng lớn tới chất lượng dịch vụ bảo hiểm, tới sự phát triển lành mạnh của thị trường. Tuy nhiên, hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, từ đó yêu cầu cần tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổng thể hành lang pháp lý của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\TC Ok.JPG

Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), mà gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo đó Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Bộ Tài chính với chức năng là cơ quan của Chính phủ, quản lý nhà nước đối với bảo hiểm, đã và đang cùng các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu về hoạt động phụ trợ bảo hiểm, làm cơ sở cho những đề xuất chính sách phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo các cam kết mở cửa thị trường nhằm phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến trao đổi và chia sẻ của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế được đưa ra nhằm làm rõ những vấn đề về nội hàm, tình trạng tham gia của các doanh nghiệp và tình trạng pháp lý liên quan đến dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, từ đó chỉ ra những khó thăn, hạn chế trong việc phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã đề xuất định hướng và giải pháp phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong bối cảnh hội nhập.

Các công ty bảo hiểm cũng đã chia sẻ về dịch vụ tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, kinh nghiệm quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của các nước... Đây sẽ là các ý kiến quý báu để làm cơ sơ sở cho việc hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm nói riêng và pháp luật liên quan về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây