SỞ TÀI CHÍNH

http://stc.binhphuoc.gov.vn


Cải thiện môi trường kinh doanh tăng 8 - 18 bậc

Đó là một trong những mục tiêu được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 (Nghị quyết số 19) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Theo đánh giá của Chính phủ, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện. Trong đó, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng thậm chí còn tụt hạng. Trong đó, hiệu quả thị trường hàng hóa, chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục, trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ chậm được cải thiện; khởi sự kinh doanh xếp thứ 123; giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 129; đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản liên tục giảm bậc, thời gian kéo dài 57,5 ngày và hiện xếp thứ 63; giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dà 400 ngày và xếp thứ 66... Bên cạnh đó, một số ngành, địa phương còn chưa chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện.

Do đó để đạt được mục tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh bằng mức trung bình của các nước, Việt Nam cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, các chỉ số môi trường kinh doanh cần được tập trung cải thiện để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; đồng thời cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp.

Nghị quyết số 19 đề ra mục tiêu khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc, giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc, giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc. Việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh được hoàn thành. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư cần được kiến nghị bãi bỏ. Danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành giảm ít nhất 50%. Cách thức quản lý nhà nước được chuyển đổi mạnh mẽ từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan phải được xóa bỏ căn bản. Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan giảm từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%. Đồng thời, tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cần được đẩy nhanh để đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4. Năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cần được tăng cường (thêm 10 bậc, hiện xếp thứ 67/136 quốc gia); để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành dịch vụ logistics được chú trọng cải thiện chất lượng hoạt động (giảm chi phí còn khoảng 18% GDP so với mức hiện nay là hơn 20% GDP; cải thiện chỉ số hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc so với xếp hạng hiện nay là 64/160 quốc gia) để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương. Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19 phải xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, các văn bản pháp luật phải bổ sung, sửa đổi, thời hạn hoàn thành và đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, cách thức giám sát, đánh giá. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội); nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường các khu, điểm du lịch.

Ngoài ra, các giải pháp thiết thực giảm chi phí logistics cần sớm được đưa vào triển khai, như giảm ách tắc ở các cảng biển, cảng hàng không. Đồng thời, kỷ luật, kỷ cương cần được thắt chặt, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ. Cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, phải thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong công cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến được tổ chức thực hiện quyết liệt. Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 được áp dụng vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp... được áp dụng thực hiện và chia sẻ phục vụ quản lý nhà nước, thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thuê ngoài đối với các dịch vụ liên quan đến thanh toán, chi trả. Nhân lực công nghệ thông tin được ưu tiên đào tạo, nâng cao nghiệp vụ. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được thực hiện đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra doanh nghiệp; đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật. Đồng thời, điều kiện đầu tư, kinh doanh được rà soát, cắt giảm. Các quy định về kiểm tra chuyên ngành được đẩy mạnh cải cách. Các bộ, ngành cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan cải thiện thứ hạng chỉ số khởi sự kinh doanh theo đúng mục tiêu đã định; tăng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh thêm ít nhất 40 bậc trên bảng xếp hạng; kết hợp công bố thông tin doanh nghiệp cùng thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp; hoàn thành trước tháng 6/2018; kiến nghị giảm tối thiểu 50% phí công bố thông tin doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số nộp thuế theo mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết số 19; phấn đấu giảm thời gian nộp thuế (không bao gồm thời gian nộp bảo hiểm xã hội) xuống còn 119 giờ, công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm kiểm tra 100% hồ sơ hoàn thuế thuộc diện phải kiểm tra và phấn đấu đến năm 2020 có 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật.

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây