SỞ TÀI CHÍNH

http://stc.binhphuoc.gov.vn


Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC năm 2018 (SFOM)

Từ 6-7/6, tại Madang, Papua New Guinea, Hội nghị Quan chức Tài chính Cao Cấp APEC được tổ chức với sự tham gia của 21 nền kinh tế thành viên APEC và đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Đoàn đại biểu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham dự với tư cách đồng chủ trì – chủ tịch năm APEC 2017 nhằm đảm bảo sự kết nối kết quả hợp tác tài chính APEC năm 2017 với Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2018 do Papua New Guinea chủ trì.
Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC năm 2018 (SFOM)

130066

Các đại biểu tham dự Hội nghị SFOM

Tại hội nghị, nhận định về tình hình kinh tế toàn cầu và khu vực, các tổ chức quốc tế đều đánh giá triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong thời gian tới. IMF dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3,9% trong cả năm 2018 và 2019 với sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Niềm tin của thị trường tăng cao, cùng với các chính sách tài khóa và tiền tệ thuận lợi cũng là các yếu tố quan trọng đóng góp vào kết quả tăng trưởng.

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với những rủi ro thách thức, trong đó đáng kể là tác động từ các chính sách bảo hộ thương mại, rủi ro thiên tai và cách mạng công nghệ. Triển vọng kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng đến năm 2019 trước khi suy giảm. Các nước đang phát triển có dòng vốn FDI lớn có thể bị ảnh hưởng từ xu hướng rút vốn đầu tư do các chính sách bảo hộ thương mại. Các tổ chức quốc tế khuyến nghị các nền kinh tế thành viên cần chuẩn bị các công cụ để ứng phó với xu hướng suy giảm tăng trưởng trong thời gian tới như áp dụng khung chính sách tài khoá và tiền tệ thắt chặt khi chính sách tỷ giá thế giới đồng loạt tăng, cải cách cơ cấu bằng thông qua tăng cường năng lực và thể chế, cải thiện khả năng cạnh tranh và thúc đẩy thương mại đa phương trên toàn cầu.

Các quan chức tài chính đã dành phần lớn thời gian tập trung đánh giá giữa kỳ các hoạt động hợp tác đang được triển khai và định hướng chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 10/2018. Trong năm nay, hợp tác tài chính APEC tập trung vào 3 chủ đề chính, bao gồm (i) Tài chính và Phát triển cơ sở hạ tầng, (ii) Hợp tác và minh bạch thuế quốc tế, và (iii) Tài chính bao trùm. Đây là các chủ đề được phát triển từ các nội dung hợp tác đã được triển khai trong năm APEC 2017 do Việt Nam chủ trì.

Liên quan đến chủ đề Tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng, nước chủ nhà Papua New Guinea phối hợp với OECD đã đề xuất Chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng năng lực trong việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là hoạt động triển khai định hướng mà các Bộ trưởng Tài chính đã khẳng định tại Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 tại Hội An, Việt Nam (Phụ lục A về Đa dạng hoá các nguồn lực tài chính và tưng cường sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế APEC). Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận về ‘Báo cáo Chính sách kinh tế 2018: Cải cách cơ cấu và Cơ sở hạ tầng’ do Uỷ ban kinh tế APEC (EC) phối hợp với SFOM thực hiện. Báo cáo này tổng hợp bài học kinh nghiệm về phát triển cơ sở hạ tầng và cải cách cơ cấu từ các nền kinh tế thành viên APEC, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018, sẽ là tài liệu tham khảo tốt cho các thành viên APEC. Việt Nam tham gia đóng góp một nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông.

Về tăng cường hợp tác và minh bạch thuế quốc tế, đại diện OECD đã trình bày trước hội nghị về những thách thức trong hoạt động quản lý thuế trong nền kinh tế số, đặc biệt là quản lý thuế trực thu và thuế giá trị gia tăng. Với thực trạng các giao dịch thương mại trên nền tảng kỹ thuật số ngày càng phổ biến, các nền kinh tế cần có giải pháp nhằm giải quyết những thách thức từ các giao dịch kinh tế số. OECD khuyến nghị các nền kinh tế cần xây dựng dữ liệu về mô hình kinh doanh, khả năng phân tích đánh giá, triển khai các giải pháp tại Gói hành động số 1 về Kinh tế số trong Chương trình Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của OECD. Bên cạnh đó, Papua New Guinea cũng trình bày về hội thảo kỹ thuật Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) dự kiến tổ chức trong tháng 7/2018 tại Port Moresby, Papua New Guinea. Hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung liên quan đến trao đổi thông tin tự động, tiêu chuẩn báo cáo chung và các tiêu chuẩn tối thiểu của Chương trình BEPS.

Về chủ đề Tài chính bao trùm, Hội nghị đã nghe báo cáo về kết quả hội thảo Tài chính bao trùm được tổ chức ngày 4-5/6/2018; tiếp tục thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tài chính bao trùm trong khu vực, như dịch vụ tài chính số, tài chính cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các sản phẩm tài chính mới. Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục tài chính, phổ cập tài chính vi mô, giao dịch không qua trụ sở ngân hàng nhằm gia tăng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở các vùng sâu vùng xa tại các nền kinh tế đang phát triển.

Ngoài các phiên thảo luận về các chủ đề ưu tiên, Hội nghị đã nghe báo cáo đánh hoạt động giữa kỳ của Nhóm công tác APEC về Tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai, báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch hành động Cebu của các nền kinh tế APEC và đề xuất hợp tác giữa SFOM và các Nhóm công tác khác của APEC nhằm phối hợp, nghiên cứu và thực hiện các vấn đề liên ngành.

Các quan chức tài chính APEC sẽ tiếp tục nhóm họp vào tháng 10 để chuẩn bị các nội dung quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10 năm 2018 tại Port Moresby, Papua New Guinea./.

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây