Năm 2017: Áp lực nợ công, bội chi đã được giảm nhẹ

Thứ ba - 07/11/2017 20:42
Sáng 24/10, tại phiên họp tổ tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải thích làm rõ nhiều vấn đề được nêu trong báo cáo của Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) về kết quả tình hình thực hiện NSNN năm 2017, dự toán 2018.

Năm 2017: Thu ngân sách tăng cao hơn nhiều so với tăng trưởng, lạm phát

Trước hết, về ý kiến tăng trưởng kinh tế 6,7% trong khi thu NSNN chỉ tăng 2,3% so với dự toán, Bộ trưởng cho biết dự toán thu được tính trên cơ sở tăng trưởng GDP 6,7% và lạm phát 4%. Đồng thời, dự toán thu khi xây dựng đã cao hơn 10,1% so với ước thực hiện năm 2016, trong đó dự toán thu nội địa tăng tới 14,7%. Như vậy, khi ước thực hiện thu tăng 2,3% so với dự toán (tăng 23.700 tỷ đồng) đã là mức cao hơn so với dự toán, và đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 6,7% cộng lạm phát 4% (là 10,5%). Bộ trưởng còn cho biết, theo ước tính mới nhất, mức thực hiện thu cuối năm còn cao hơn mức dự tính hiện nay, nhờ vượt thu từ ngân sách địa phương.

Về vấn đề thu NSNN từ 3 khu vực chính không đạt dự toán, Bộ trưởng cho biết năm nay ước tính thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước đạt 92,3% dự toán, từ khu vực DN FDI ước đạt 95,1% dự toán, ngoài quốc doanh ước đạt 97,2% dự toán. Thực tế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về chủ quan, cả 3 khu vực này đều được giao dự toán khá cao. So với năm 2016, dự toán khu vực DNNN tăng 8,8%, DN FDI tăng 22,9%, ngoài quốc doanh tăng 23,8%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do đó, dù không đạt dự toán nhưng mức thực hiện vẫn là tích cực và có sự tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là dù kinh tế khởi sắc nhưng nhiều DN còn khó khăn. Ước tính, cứ thêm 4 DN đăng ký mới thì 3 DN đóng cửa, phá sản. Do đó, nguồn thu từ khu vực này cũng bị ảnh hưởng.

Liên quan đến ý kiến về nguồn thu NSTW khó khăn trong khi đã tăng khai thác 1 triệu tấn dầu thô, Bộ trưởng nêu rõ trong giai đoạn 2006 - 2010 tỉ trọng thu từ dầu thô (cả xuất khẩu và nhập khẩu) trong tổng thu ngân sách là 20%. Đến năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn 3,2%, dù quy mô thu giai đoạn này đã tăng hơn 2 lần. Do đây là khoản thu của NSTW nên phần thu của NSTW ngày càng nhỏ dần. Hơn nữa, giá dầu thô đang ước thực hiện khoảng 53 USD/thùng, là mức thấp so với giai đoạn trước nên thực tế việc tăng khai thác 1 triệu tấn không đóng góp quá nhiều.

Cần cơ chế xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi

Đặc biệt, trong phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến vấn đề nợ đọng thuế, một bất cập trong công tác thu ngân sách hiện nay. Theo Bộ trưởng, tính đến 30/9, tổng nợ thuế cả nước là 73.900 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%. Nợ từ tiền phạt vi phạm hành chính và chậm nộp là 18.061 tỷ, chiếm 24,4%. Còn lại là nợ khó có khả năng thu hồi do DN giải thể, mất tích, chủ DN đã chết, mất năng lực hành vi, đang thi hành án hình sự, ... lên tới 28.221 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất là 32,8%. Đáng chú ý, theo thống kê có tới hơn 600.000 DN, hộ kinh doanh đang nợ đọng thuế, có những đối tượng đã nợ hơn 10 năm. Mặc dù Luật Quản lý thuế đã có những giải pháp xử lý nhưng vẫn có những bất cập như giải pháp phải có toà tuyên bố phá sản mà thực tế DN chỉ tự đóng cửa, chuyển đổi mà không đăng ký ra toà để phá sản.

Như vậy, theo Bộ trưởng, nợ có khả năng thu hồi chỉ chiếm khoảng 3% thu ngân sách nội địa, mức thấp so với thông lệ quốc tế là 5%. Đây là kết quả những nỗ lực của ngành Tài chính khi hai năm gần đây, công tác chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm với nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, từng cá nhân. Nhờ đó, dù số thu tăng nhưng số nợ đọng giảm. Năm 2015 nợ đọng là 76.450 tỷ đến nay còn 73.900 tỷ đồng, và mục tiêu giao cho Tổng cục thuế là không vượt quá 72.000 tỷ đồng. Dù vậy, một phần số nợ đọng này vẫn tăng tự động do các yếu tố như lãi phạt tính theo ngày.

Để giải quyết vấn đề này, hiện nay Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát, phân tích theo từng nhóm, từng địa bàn để đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phương án xử lý, bởi việc để khoản nợ đọng lại theo dõi cũng không còn có ý nghĩa.

Lần đầu tiên trong 10 năm, bội chi được đảm bảo dự toán

Về điều hành cân đối ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết một điểm mới năm nay là trái phiếu Chính phủ, vốn ODA đã được đưa vào bội chi. Việc đưa hai khoản này vào bội chi làm nợ công tăng nhanh hơn giúp chúng ta quản lý tốt hơn, tập trung hơn.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc lớn hiện nay là công tác giải ngân. Theo rà soát, vốn trái phiếu dự toán của năm 2017 là 50.000 tỷ và 17.000 tỷ đồng từ các năm trước chưa giao. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện giao được 35.900 tỷ trong tổng 67.000 tỷ đồng này. “Chúng ta có tiền mà cũng không tiêu được. Nếu sử dụng hết đầu tư công theo kế hoạch, thì một đồng đầu tư công có thể kéo thêm 2 - 3 đồng vốn từ xã hội... đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng, thay vì tập trung nhiều vào khai thác tài nguyên khoáng sản”, Bộ trưởng nói.

Do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội việc điều chuyển nguồn vốn TPCP 14.000 tỷ đồng sang cho kế hoạch ODA trong dự toán 2017. Cách làm này là hợp lý và vẫn đảm bảo bội chi trong dự toán là 178.000 tỷ đồng.

Với những nỗ lực như vậy trong điều hành, thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, năm 2017 là năm đầu tiên trong 10 năm qua bội chi được đảm bảo trong dự toán, cả ở con số tuyệt đối và tương đối. “Đây là nhờ sự kỷ luật, kỷ cương từ Quốc hội, Chính phủ trong điều hành rất kiên quyết... Năm nay, dù là năm đầu triển khai Luật NSNN mới, tính đủ cả ODA và TPCP, nhưng với quyết tâm chính trị cao, quản lý chặt chẽ nên chúng ta đã có được kết quả này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Cơ cấu nợ công chuyển biến tích cực, đúng hướng

Cũng từ những nỗ lực này, con số, tỷ lệ về nợ công năm 2017 cũng được Bộ trưởng đánh giá là “nhẹ nhàng hơn nhiều” so với những năm trước vì dù quy mô nợ công tăng nhưng áp lực đã giảm. Theo báo cáo, đến cuối năm nay nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia vẫn trong giới hạn, nợ công được giữ trong khoảng 62,6%, so với mức trần 65%, thậm chí còn giảm, cơ cấu chuyển biến rất tích cực.

Cụ thể, năm 2011, cơ cấu nợ nước ngoài trong nợ Chính phủ là 60%, nợ trong nước 39%. Đến nay, tỷ lệ này đảo ngược khi nợ nước ngoài chỉ chiếm 39%, trong nước chiếm 60%. “Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) vừa qua, đề xuất thảo luận về quản lý nợ công và cơ cấu ngân sách trong tình hình kinh tế biến động của phía Việt Nam đã được cả 21 nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế quan tâm, hưởng ứng. Các nước đều coi đây là việc hệ trọng của tất cả các quốc gia. Ngay với những nước phát triển có nợ công cao tới 200% như Nhật Bản, tỷ lệ nợ nước ngoài cũng chiếm đến 100%, do đó việc kiểm soát chủ động hơn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói thêm.

Trong khi đó, kỳ hạn phát hành trái phiếu đã tăng mạnh. Trong khi cuối năm 2011, kỳ hạn nợ trái phiếu trong nước bình quân là 1,84 năm thì đến năm 2016 đã là 8,7 năm. Bình quân năm 2017, kỳ hạn nợ của TPCP bình quân lên tới 14,1%, không khoản nào dưới 5 năm, nhiều khoản phát hành với kỳ hạn 30 năm nên áp lực trả nợ đã giảm rất nhiều. Không những vậy, lãi suất phát hành TPCP cũng có xu hướng giảm từ 12,1% năm 2011 xuống 6,28% năm 2016 và chỉ còn 6% đến 6,1% năm 2017.

Cùng với việc kỳ hạn tăng 3 - 4 lần, lãi suất giảm một nửa như vậy, cơ cấu nhà đầu tư cũng chuyển biến tích cực. Cuối năm 2016, hệ thống ngân hàng thương mại chiếm 78% nhưng đến nay chỉ còn 54%. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia đấu thầu TPCP để cơ cấu nhà đầu tư thêm đa dạng, thêm đối trọng, tạo sức ép giảm lãi suất huy động trên thị trường.

Giải trình thêm về một số vấn đề liên quan đến dự toán NSNN năm 2018, Bộ trưởng cho biết có nhiều yếu tố là cơ sở để đưa ra dự toán thu năm tới tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017. Dự toán thu dầu thô năm 2018 giảm 7.600 tỷ đồng so với 2017 do sản lượng khai thác giảm 1,97 triệu tấn so với ước thực hiện 2017. Số thu xuất nhập khẩu cũng giảm 1.000 tỷ đồng so với ước thực hiện 2017. Lý do là từ 1/1/2018, 90% các dòng thuế theo Hiệp định AFTA đều về 0. Cùng với việc tăng thu từ tăng tỷ lệ xuất nhập khẩu, khi tính bù trừ thì còn giảm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Về thu nội địa, dự toán thu nội địa năm 2018 là 1.099.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với ước thực hiện năm 2017. Nếu loại trừ tiền thu từ đất, xổ số kiến thiết, cổ phần hoá, lợi nhuận sau thuế, thì số thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước vẫn tăng 12,5% so với số ước thực hiện năm 2017, là mức cao so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cộng với lạm phát của năm 2018.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng đề cập tới một bất cập trong công tác điều hành hiện nay. “Theo cách tính của chúng ta, tăng trưởng kinh tế là căn cứ ước tính dự toán thu, chi, nhưng dù tăng trưởng không đạt thì thu chi cũng vẫn vậy, vẫn đạt và vượt dự toán. Do vậy, những năm vừa qua bội chi phình lên, chúng ta không cắt giảm được đồng nào, thậm chí chi tiêu còn tăng hơn, đặc biệt là cho an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Đây là một bất cập điều hành chứ không phải do chính sách”, Bộ trưởng cho biết./.

Nguồn tin: Theo mof.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông báo

CV 974

lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định ban hành quy định danh mục tài sản cố định đặc thù và danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 27 | lượt tải:8

828/STC-GCS

Mời tham gia xác định giá trị các bộ phận của xe ô tô bị thiệt hại theo Yêu cầu định giá số 175/YC-VPCQCSĐT ngày 11/12/2023 của Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh

Thời gian đăng: 25/03/2024

lượt xem: 235 | lượt tải:28

300/TB-HĐĐGTS

Thông báo Về việc lựa chọn tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tư vấn xác định giá trị thị trường của thửa đất số 530, tờ bản đồ số 18 tọa lạc tại ấp 5, xã Minh Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (tại thời điểm: tháng 05/2020)

Thời gian đăng: 06/02/2024

lượt xem: 265 | lượt tải:28

336/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường, công tác quản lý giá - công sản tháng 1/2024 và tình hình giá cả thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024-

Thời gian đăng: 01/02/2024

lượt xem: 334 | lượt tải:57

40/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 12/2023, quý 4/2023 và công tác quản lý giá - công sản tháng 12/2023

Thời gian đăng: 05/01/2024

lượt xem: 277 | lượt tải:46
Thống kê
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay2,780
  • Tháng hiện tại44,657
  • Tổng lượt truy cập6,906,873
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây