Cần cơ sở pháp lý cao hơn về cổ phần hoá DNNN

Thứ ba - 29/05/2018 14:05
Chiều 28/5, sau khi nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu.
Cần cơ sở pháp lý cao hơn về cổ phần hoá DNNN

128704

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại phiên họp chiều 28/5

Không có khoảng trống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và cổ phần hoá

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ trưởng báo cáo thêm trước Quốc hội về 5 nội dung.

Thứ nhất, về kết quả giám sát tình hình ban hành văn bản pháp luật. Nhất trí về kết quả đạt được nêu tại báo cáo, Bộ trưởng cũng cho biết báo cáo giám sát nêu một số tồn tại, hạn chế cho thấy một số chủ trương, chính sách chậm được thể chế hóa. Song, báo cáo cũng cho thấy một cách đầy đủ trong bất kỳ giai đoạn nào đều có văn bản pháp luật ở các cấp độ khác nhau như Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, các Thông tư của các Bộ, ngành quy định điều chỉnh việc quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN. Do đó, có thể thấy không có khoảng trống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và cổ phần hóa DNNN.

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN là một nội dung mang tính phức tạp, gắn với sự đổi mới của nền kinh tế và thực tiễn hoạt động của DN trong nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng, đòi hỏi phải có sự cập nhật, đổi mới hoàn thiện theo từng thời kỳ cho phù hợp với định hướng phát triển của Đảng, thực tế vận động của nền kinh tế và hoạt động của DN. Do đó, việc kịp thời cập nhật đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách gắn với sự đổi mới, hội nhập của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế là cần thiết. “Chúng tôi cũng rất tán thành với kiến nghị của đoàn giám sát, chúng ta sẽ phải xây dựng một cơ sở pháp lý cao hơn cấp Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa DNNN, lâu nay chúng ta làm ở cấp Nghị định”, Bộ trưởng nói.

Về một số vướng mắc trong cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2016 nêu trong báo cáo như thời gian cổ phần hóa, xác định giá trị DN, xác định giá khởi điểm chào bán, chính sách bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, xử lý về tài chính, về công nợ đã được định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết số 12 của Trung ương và thể chế hóa Nghị quyết số 12 của Trung ương, Bộ trưởng cho biết vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc.

Riêng với mô hình của SCIC, do là mô hình đầu tư kinh doanh vốn nhà nước nên một trong nhiệm vụ chính của SCIC là kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực có hiệu quả, sinh lời cao để gia tăng giá trị vốn nhà nước theo đúng kế hoạch được chủ sở hữu phê duyệt. Đồng thời, vì là DN nên việc thoái vốn nhà nước tại DN đã cổ phần hóa theo cơ chế thị trường sẽ thuận lợi và phù hợp. Do đó, Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần nhìn nhận đánh giá đầy đủ chức năng nhiệm vụ của chính DN này.

Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và vướng mắc bất cập đã nêu, Bộ trưởng nêu thêm một nguyên nhân là các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN của các bộ, ngành và DN trong thời gian vừa qua nhiều lúc, nhiều nơi còn hạn chế và bị vi phạm.

Đánh giá đúng, đầy đủ về hiệu quả, vai trò của DNNN

Thứ hai, về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN, Bộ trưởng cũng bổ sung thêm ý kiến cho rằng hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011 - 2016 cần phải đánh giá gắn với tình hình suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta và trong điều kiện chúng ta hội nhập sâu rộng. Đồng thời phải gắn với tiến trình cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước, đánh giá trong bối cảnh sắp xếp đổi mới DNN được đẩy mạnh nên quy mô của khu vực DNNN có thay đổi.

“Cơ cấu tổ chức của DNNN hình thành theo mô hình công ty mẹ, công ty con, hoạt động đầu tư vào DN liên kết, trong đó công ty con chủ yếu là công ty cổ phần. Khi đánh giá hiệu quả DN theo các chỉ tiêu về quy mô doanh thu, quy mô tài sản phải loại trừ một phần hoặc toàn bộ doanh thu tài sản thuộc các công ty con, công ty liên kết theo quy định về hợp nhất báo cáo tài chính của pháp luật kế toán”, Bộ trưởng phân tích.

Mặt khác, DNNN là khu vực chính thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ sản phẩm công ích và những địa bàn khó khăn. Đây là những lĩnh vực, địa bàn kinh doanh hiệu quả không cao, hoặc không thuận lợi nên cũng ảnh hưởng giảm chỉ tiêu lợi nhuận chung khi đánh giá hiệu quả của DNNN. Bởi, theo định hướng, DNNN được giao những lĩnh vực, địa bàn các thành phần kinh tế khác không làm. Do đó, việc đánh giá hiệu quả DNNN phải lưu ý đặc điểm này để đảm bảo phản ánh chính xác quy mô, vai trò hiệu quả của DNNN.

Đối với nhận định được nêu trong báo cáo của đoàn giám sát về các vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý kỷ luật cán bộ, Bộ trưởng nêu rõ các vi phạm cho thấy tập trung chủ yếu khâu tổ chức thực hiện và nguyên nhân chính do cố ý vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN liên quan đến trách nhiệm nghĩa vụ của một số thành viên lãnh đạo DN. Do đó, không phải toàn bộ khu vực DNNN có vi phạm, cần phản ánh đúng vai trò vị trí DNNN như Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã nêu.

Bộ trưởng đánh giá, cùng cơ chế chính sách nhà nước, DNNN là công cụ quan trọng đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đối phó với biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho NSNN, đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, chính sách an sinh xã hội phù hợp với đánh giá mặt được của DNNN nêu trong báo cáo.

Bất cập trong quản lý đất đai ảnh hưởng lớn đến tiến độ cổ phần hoá

Thứ ba, về kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng báo cáo bổ sung cho biết giai đoạn trước năm 2011, chúng ta cổ phần hóa 3.958 DN với tổng giá trị vốn nhà nước là 139.000 tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 36.00 tỷ đồng, thực tế bán được 34.000 tỷ đồng. Số vốn nhà nước chiếm 2,4% tổng số vốn nhà nước so với số vốn cuối năm 2016 vốn nhà nước tại DN 1.398.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2011 - 2016 có 571 DN so với tổng giá trị vốn nhà nước là 214.000 tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán là 73.000 tỷ đồng, thực tế bán 43.000 tỷ đồng. Số vốn nhà nước thực bán chiếm 3% tổng số vốn nhà nước cuối năm 2016. Nếu tính cả số vốn nhà nước đã thoái là 14.600 tỷ đồng thì giai đoạn này vốn nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn chiếm 4,1%. Tổng số vốn nhà nước so với cuối năm 2016 đúng như báo cáo giám sát là rất thấp, rất ít, có DN chỉ bán được 1% đến 2%.

Năm 2017, có 69 DN cổ phần hóa với tổng giá trị vốn nhà nước là 160.000 tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 75.000 tỷ. Thực tế 5 tháng vừa qua chúng ta IPO được 21 DN thu được 5.000 tỷ đồng. Nếu tính tổng số vốn nhà nước được thoái là 9.000 tỷ đồng thì thực thu là 139.000 tỷ đồng, trong đó có Sabeco. Tỷ lệ vốn nhà nước bán khi cổ phần hóa và thoái vốn là 14.000 tỷ đồng chiếm 1% so với vốn nhà nước vào cuối năm 2016 tại DN. Như vậy, hết năm 2017 tỷ lệ vốn nhà nước thực bán trong cổ phần hóa và thoái vốn khoảng 7,5% tính theo tổng số vốn nhà nước cuối năm 2016.

Trong quá trình cổ phần hóa, có những vướng mắc liên quan đến đất đai, một số DN sử dụng nhiều diện tích đất vàng tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất đai với địa phương trước khi cổ phần hóa. Thực tế, Bộ trưởng cho biết quá trình UBND tỉnh, thành phố có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường rất chậm dẫn đến việc phải kéo dài thời gian điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. “Đây chính là những tồn tại của khâu tổ chức thực hiện đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của quá trình cổ phần hóa DNNN, phản ánh chưa đầy đủ giá trị DN, khi cổ phần hóa cũng như nguyên nhân một số DN, cá nhân lợi dụng để vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trước, trong và sau khi cổ phần hóa chuyển DNNN sang công ty cổ phần.

Từ năm 2018, Nghị định 126 tháo gỡ nhiều vướng mắc

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2016 bám sát tinh thần nghị quyết lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, Bộ Tài chính đã trình với Chính phủ ban hành Nghị định số 126 về chuyển DNNN và Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và có hiệu lực từ 1/1/2018, đã cơ bản khắc phục các vướng mắc của giai đoạn trước mà nhiều đại biểu đã nêu trong phiên thảo luận và trong báo cáo giám sát.

Riêng về giá trị quyền sử dụng đất trong cổ phần hóa DNNN, theo Hiến pháp năm 2013 tại Điều 53 và quy định của Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ thực hiện quyền chủ sở hữu đối với vốn và tài sản nhà nước tại DN và thay mặt toàn dân thực hiện quyền sở hữu về đất đai. Quy định về cổ phần hóa trước đây và hiện nay tại Điều 30 của Nghị định 126 đều quy định các DNNN khi cổ phần hóa phải hoàn thành phương án sử dụng đất đai và sắp xếp về nhà đất, trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Phương án sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh của DN và phải được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đất do địa phương phê duyệt.

Theo quy định tại Nghị định 126, công ty cổ phần sau cổ phần hóa phải sử dụng đúng mục đích và phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Sau 60 ngày, kể từ ngày chuyển sang công ty cổ phần phải thực hiện thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định. Giá đất thuê trả tiền hàng năm DN phải ký với địa phương tại thời điểm cổ phần hóa sát với thị trường theo quy định của Luật Đất đai. Trường hợp DN sử dụng không đúng mục đích, chưa phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước thu hồi và DN phải trả lại cho nhà nước để sử dụng vào mục đích khác kinh doanh hiệu quả hơn. Giá trị đất được giao, giá trị đất thuê trả tiền một lần của DNNN khi cổ phần hóa đều được tính vào giá trị DN và các DN phải chuyển sang thuế đất trả tiền hàng năm theo đúng quy định. Đối với trường hợp thoái vốn nhà nước thì giá trị quyền sử dụng đất thuê phải được tính vào giá khởi điểm trước khi đấu giá theo Nghị định 32 năm 2018 của Chính phủ.

Tóm lại, Bộ trưởng nhấn mạnh trong quá trình cổ phần hóa DNNN, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN là rất quan trọng. Và quan trọng hơn là sau cổ phần hóa, chính quyền địa phương nơi DN có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khi DN có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại, phù hợp với quy hoạch xây dựng thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho nhà nước với giá trị cao nhất, và trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý đất đai.

Như ý kiến đại biểu đã nêu, mặc dù khi chuyển đổi DN thì có mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhưng cũng không loại trừ động cơ không trong sáng, và người quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh, trụ sở văn phòng sang đất nhà ở thì phải tính tiền sử dụng đất theo đất ở và phải theo thị trường. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta chưa làm được điều này, không rõ trách nhiệm, trắng đen lẫn lộn, thiếu minh bạch, thất thoát. Do đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị siết chặt hơn việc quản lý đất đai, đặc biệt là kiểm định việc chuyển đổi mục đích. “Đây là yếu kém trong khâu quản lý sử dụng đất đai, còn nếu nói là trong cổ phần hóa thì tôi e là cũng chưa hẳn thuyết phục. Người quyết định chuyển đổi chính là chính quyền địa phương nơi quản lý đất đai này theo quy định của Luật Đất đai”, Bộ trưởng nói.

Thêm vào đó, mặc dù cơ chế tháo gỡ đã ban hành đầy đủ nhưng tiến độ cổ phần hóa thoái vốn những tháng đầu năm 2018 vẫn còn chậm, chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện và vẫn do những nguyên nhân như báo cáo giám sát của đoàn giám sát đã nêu, đặc biệt là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi cổ phần hóa còn rất chậm. Do đó, Bộ trưởng cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay theo phân cấp là các bộ, ngành, các địa phương là chủ sở hữu DN.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số đơn vị, cá nhân chưa nghiêm

Vấn đề thứ tư được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo là về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Bộ trưởng tiếp tục bổ sung một nguyên nhân là kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cá nhân, tổ chức, đơn vị giữ nghiêm, đặc biệt là kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai mà DNNN đang quản lý trước, trong và sau khi cổ phần hóa DNNN; Tính công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa thời gian vừa qua là chưa cao, còn phải tiếp tục như ý kiến đại biểu đã nêu.

Cuối cùng, Bộ trưởng cũng làm rõ thêm về một số vấn đề cụ thể đại biểu nêu trong phiên thảo luận. Liên quan đến kết quả đầu tư ra nước ngoài của DNNN, Bộ trưởng cho biết đã báo cáo và được Thủ tướng nhất trí rằng Chính phủ sẽ có báo cáo riêng gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cũng như là Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Về tiền cổ phần hóa thoái vốn DNNN tại DN do các địa phương làm chủ sở hữu. Theo Nghị quyết 54 về phát triển TP.HCM, Quốc hội đã cho phép việc cổ phần hóa thoái vốn DNNN do TP.HCM làm chủ sở hữu thì để lại cho TP, đưa vào cân đối ngân sách TP và TP phải đầu tư các công trình, dự án trọng điểm của thành phố. Qua ý kiến các địa phương, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đúng quy định.

Về ý kiến đại biểu cho rằng cán bộ tài chính đánh giá tài sản trong quá trình cổ phần hóa, kể cả DN lớn và nhỏ. Bộ trưởng khẳng định theo tất cả quy định từ trước đến nay, trong giai đoạn 2011-2016 và kể cả hiện nay không quy định Bộ Tài chính đánh giá giá trị tài sản mà chủ sở hữu là bộ, ngành, UBND các tỉnh và DN đề xuất thuê tư vấn xác định giá trị DN. Giá trị DN do bộ, ngành và UBND tỉnh phê duyệt, còn DN lớn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính tham gia khi có yêu cầu của Thủ tướng.

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo

CV 974

lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định ban hành quy định danh mục tài sản cố định đặc thù và danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 23 | lượt tải:8

828/STC-GCS

Mời tham gia xác định giá trị các bộ phận của xe ô tô bị thiệt hại theo Yêu cầu định giá số 175/YC-VPCQCSĐT ngày 11/12/2023 của Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh

Thời gian đăng: 25/03/2024

lượt xem: 193 | lượt tải:27

300/TB-HĐĐGTS

Thông báo Về việc lựa chọn tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tư vấn xác định giá trị thị trường của thửa đất số 530, tờ bản đồ số 18 tọa lạc tại ấp 5, xã Minh Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (tại thời điểm: tháng 05/2020)

Thời gian đăng: 06/02/2024

lượt xem: 250 | lượt tải:28

336/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường, công tác quản lý giá - công sản tháng 1/2024 và tình hình giá cả thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024-

Thời gian đăng: 01/02/2024

lượt xem: 323 | lượt tải:57

40/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 12/2023, quý 4/2023 và công tác quản lý giá - công sản tháng 12/2023

Thời gian đăng: 05/01/2024

lượt xem: 263 | lượt tải:46
Thống kê
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay1,404
  • Tháng hiện tại32,836
  • Tổng lượt truy cập6,895,052
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây