Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, Ngành và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành giá

Thứ năm - 21/02/2019 15:07
Trong năm 2019, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2019 và căn cứ các kịch bản điều hành giá đã được thống nhất, Chính phủ quyết tâm điều hành giá với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, trong khoảng từ 3,3% đến 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6-1,8%. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành quốc gia về giá vào tháng 1/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành về giá đã yêu cầu các Bộ, ngành cần thận trọng trong công tác điều hành giá quý I/2019, vì đây là quý rất quan trọng và có ý nghĩa với chỉ số CPI hàng năm vì đây là thời điểm Lễ, Tết nhộn nhịp nhất trong năm nên nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao đột biến.

CPI tháng 1/2019 tăng nhẹ

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng cuối cùng của năm 2018, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, bao gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,69%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,39%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; giáo dục tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Chỉ có 2 nhóm giảm giá là giao thông giảm 3,04% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2019 là tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng hơn các tháng trước. Tuy nhiên, CPI tháng 1/2019 chỉ tăng nhẹ do lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết dồi dào.

image

Phiên chợ vùng cao Hà Giang. Ảnh: MT

Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 1/2019, cơ quan này cho biết ngoài nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán tăng cao, còn do nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và bảo dưỡng phương tiện cũng lần lượt tăng 0,3% và 0,61% so với tháng trước. Ngoài ra, vào tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác tăng 0,12%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,9%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2019, lạm phát cơ bản có mức tăng cao hơn lạm phát chung do các mặt hàng ngoài “rổ” tính lạm phát cơ bản có mức tăng cao hơn các mặt hàng trong “rổ” đặc biệt mặt hàng xăng dầu tháng 1/2019 giảm khá mạnh so với tháng trước. Lạm phát cơ bản tháng 1/2019 so cùng kỳ ở mức 1,83% phản ánh nhu cầu về tiền tệ cuối năm âm lịch tăng hơn so với các tháng khác, tuy nhiên chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ

Đánh giá về việc quý I/2019 sẽ bị ảnh hưởng bởi Lễ, Tết nên ngay từ cuộc họp đầu tiên trong năm 2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ chủ yếu như: Chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chủ động rà soát, cân đối cung cầu để bình ổn thị trường; đặc biệt là trong các thời điểm lễ, Tết, đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động. Phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảm việc điều chỉnh giá với liều lượng, thời điểm hợp lý tương ứng với các kỳ điều hành, tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm; công khai, minh bạch các chính sách điều hành giá và công tác thu, chi giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6% – 1,8%. Và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu theo các giải pháp đã được đề ra; việc điều hành giá những tháng đầu năm cần hết sức thận trọng để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm.

Đối với từng mặt hàng, dịch vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Đối với Lương thực, thực phẩm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm nhằm bình ổn thị trường nhất là trong các thời điểm lễ, Tết. Riêng đối với các mặt hàng thịt lợn,có hướng dẫn chỉ đạo ngành chăn nuôi tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, chỉ đạo việc tái đàn gắn với chọn lọc con giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; chú trọng công tác truyền thông về nguồn cung, giá cả để hạn chế yếu tố tăng giá do tâm lý hoặc yếu tố đầu cơ.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, kết nối các doanh nghiệp chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn với các đơn vị phân phối lớn thịt lợn để giảm chi phí trong lưu thông và khâu phân phối bán lẻ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại.

Đối với Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất, chế biến xăng sinh học E5 để khuyến khích tiêu dùng. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để có chính sách, mức thuế bảo vệ môi trường phù hợp với xăng sinh học (E5, E10, B5, B10,...) nhằm khuyến khích tiêu dùng xăng sinh học.

Đối với mặt hàng Điện: Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xây dựng các kịch bản chi tiết điều hành giá điện bảo đảm đồng bộ với việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu tại thời điểm phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; đồng thời, tăng cường công tác công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê chủ động đề xuất phương án, lộ trình giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với thực tế diễn biến chỉ số giá và khả năng cân đối quỹ BHYT trong đó cập nhật các biến động chi phí tiền lương và kết cấu chi phí quản lý vào trong giá. Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng giảm bớt số lượng dịch vụ; rà soát lại các định mức kinh tế-kỹ thuật để có hướng điều chỉnh hợp lý phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế và đặc thù dịch vụ. Bộ Y tế báo cáo Phó Thủ tướng -Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về đề xuất sửa đổi danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và định mức kinh tế kỹ thuật.

Đối với Thuốc chữa bệnh cho người: Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh đấu thầu và đàm phán giá thuốc nhằm hạ giá thuốc, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc có chất lượng. Đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế của công tác đấu thầu tập trung thuốc trong thời gian vừa qua và đề xuất giải pháp khắc phục.

Đối với dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh (BOT): Bộ Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan liên quan cơ bản giữ ổn định giá dịch vụ BOT; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc; triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc phương án trạm thu phí không dừng; minh bạch, công khai trong thu giá dịch vụ.

Đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang giá: Các Bộ, ngành có trách nhiệm ban hành đầy đủ định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xác định giá, báo cáo tác động của việc điều chỉnh giá đến chỉ số giá CPI, đời sống nhân dân; tăng thu, nâng cao sự chủ động cho đơn vị sự nghiệp công và giảm chi NSNN; phối hợp với các cơ quan liên quan tính toán, lựa chọn thời điểm điều chỉnh giá phù hợp.

Đối với dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá tình hình thực hiện mức giá hiện hành so với lộ trình giá thị trường tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP để có kiến nghị sửa đổi trong phạm vi quản lý. Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt, đánh giá việc điều chỉnh học phí và tình hình thực tế tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có định hướng điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong năm 2019.

Đối với sách giáo khoa: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc điều chỉnh giá sách giáo khoa trong năm học 2019 - 2020 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo phương án đã được Bộ phê duyệt chủ trương; đồng thời chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ động làm việc với các cơ quan báo chí để làm tốt công tác truyền thông tới xã hội, tạo đồng thuận với chủ trương điều chỉnh này. Bộ Tài chính thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa theo quy định.

Đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền định giá của địa phương: Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng rà soát các yếu tố chi phí, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa phương nói riêng và mặt bằng giá cả nước nói chung, tránh điều chỉnh tăng giá khi chưa có đủ các điều kiện phù hợp. Đẩy mạnh kiểm soát việc thực hiện công tác niêm yết giá, kê khai giá và kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về giá tại địa bàn, nhất là các tháng trước, trong và sau Tết.

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo

CV 974

lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định ban hành quy định danh mục tài sản cố định đặc thù và danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 34 | lượt tải:8

828/STC-GCS

Mời tham gia xác định giá trị các bộ phận của xe ô tô bị thiệt hại theo Yêu cầu định giá số 175/YC-VPCQCSĐT ngày 11/12/2023 của Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh

Thời gian đăng: 25/03/2024

lượt xem: 291 | lượt tải:28

300/TB-HĐĐGTS

Thông báo Về việc lựa chọn tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tư vấn xác định giá trị thị trường của thửa đất số 530, tờ bản đồ số 18 tọa lạc tại ấp 5, xã Minh Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (tại thời điểm: tháng 05/2020)

Thời gian đăng: 06/02/2024

lượt xem: 284 | lượt tải:29

336/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường, công tác quản lý giá - công sản tháng 1/2024 và tình hình giá cả thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024-

Thời gian đăng: 01/02/2024

lượt xem: 352 | lượt tải:60

40/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 12/2023, quý 4/2023 và công tác quản lý giá - công sản tháng 12/2023

Thời gian đăng: 05/01/2024

lượt xem: 292 | lượt tải:46
Thống kê
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay1,828
  • Tháng hiện tại56,845
  • Tổng lượt truy cập6,919,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây