Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý thuế năm 2019

Thứ tư - 24/04/2019 15:24
Chiều 18/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I và tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý thuế năm 2019. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Trần Xuân Hà; Lãnh đạo Tổng cục Thuế, đại diện Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cùng đại diện Lãnh đạo Cục thuế 63 tỉnh thành trong cả nước.

Thu NSNN quý I tăng trên 15%

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I do Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn trình bày cho thấy một số kết quả nổi bật trong công tác thuế quý I/2019. Theo đó, nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính là 1.411.300 tỷ đồng, trong đó nhiệm vụ thu giao cho cơ quan Thuế là 1.168.100 tỷ đồng (chiếm 82,8% tổng thu NSNN).

Tron quý I/2019, tổng thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý đạt 305.610 tỷ đồng, bằng 26,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Thu từ dầu thô đạt 13.591 tỷ đồng, bằng 30,5% so với dự toán, bằng 94,8% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 292.019 tỷ đồng, bằng 26% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Nếu không kể khoản thu từ chênh lệch thu chi của NHNN (phần vượt dự toán 2018 chuyển sang quý I/2019) thì thu nội địa đạt 286.101 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ.

a BT.jpg

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, kết quả thu nội địa 3 tháng đầu năm nay đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với một số năm gần đây. Nhiều khoản thu lớn đạt khá như: thu từ sản xuất kinh doanh đạt 25,2% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ (trong đó: Khu vực CTN-NQD đạt 26,4% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ, Khu vực DN có vốn ĐTNN đạt 24,8%, tăng 13,6%); Thuế TNCN đạt 30%, tăng 18,4%; Lệ phí trước bạ đạt 26,8%, tăng 23,3%; thu từ xổ số đạt 45,5%, tăng 16,6%; Tiền SD đất đạt 29,1% dự toán;... Có 45/63 địa phương có tiến độ thực hiện thu đạt trên 25% dự toán, trong đó một số địa phương đạt cao như: Sóc Trăng; An Giang ; Bến Tre; Bắc Ninh; Bình Định; Đồng Tháp; Bình Thuận; Cà Mau; Bạc Liêu; Ninh Thuận; Long An; Ninh Bình; Trà Vinh; Hải Dương; Bà Rịa - Vũng Tàu; Phú Yên; Kiên Giang; Tiền Giang; Vĩnh Long, Tây Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Hà Nam, Quảng Ninh,...

Trong quý I, ngành thuế cũng đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, hiện đại hoá phương thức quản lý thu nộp NSNN, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu đối với quản lý thu hiện đại ở tất cả các khâu trong quản lý thuế. Tính đến cuối tháng 3/2019, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai rộng rãi tại 63/63 Cục Thuế và 100% số Chi cục Thuế trên cả nước với 703.392 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,99% số DN đang hoạt động; phối hợp với 50 ngân hàng thương mại trên cả nước để triển khai thực hiện hệ thống nộp thuế điện tử với số DN tham gia là 697.527 DN đạt 99,2% tổng số DN đang hoạt động. Hệ thống hoàn thuế điện tử được triển khai tại tất cả 63/63 Cục Thuế, đạt 96,2% số DN và 96,7% số hồ sơ hoàn thuế theo phương thức điện tử. Triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đối với 254 DN đạt 263.991 hóa đơn điện tử. Hiện nay đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 hướng dẫn về hóa đơn điện tử.

a Toan canh.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật, giúp các DN chủ động bố trí và sử dụng nguồn lực tài chính phục vụ cho sản xuất kinh doanh của đơn vị mình một cách tối ưu. Tính đến 31/3/2019, cơ quan thuế đã ban hành 4.834 quyết định hoàn thuế với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn là 28.726,5 tỷ đồng, bằng 25,6% so với năm 2018, bằng 25,8% so với dự toán hoàn thuế GTGT đã được Quốc hội giao.

Đối với công tác thanh kiểm tra, trong quý I năm 2019, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 8.089 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 9,28% kế hoạch năm 2019; kiểm tra được 61.425 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 6.333,1 tỷ đồng bằng 111,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.786,1 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 247,3 tỷ đồng; giảm lỗ là 4.299,6 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 842,1 tỷ đồng, đạt 47,2% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó ngành thuế quyết liệt triển khai công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, kịp thời thu vào NSNN đối với những khoản nợ thuế có khả năng thu; chỉ đạo xử lý triệt để các khoản nợ thuế đang chờ điều chỉnh, các khoản nợ chờ xử lý còn tồn đọng tại thời điểm ngày 31/12/2018. Đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; Áp dụng nghiêm các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Tính đến 31/3/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 7.450 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 19,2% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018.

Nhận diện khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thuế cũng nhìn nhận những vấn đề cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao. Theo đó, Tổng cục Thuế cho rằng dù kết quả thu NSNN quý I/2019 đạt khá so với cùng kỳ nhiều năm qua, tuy nhiên, so với mục tiêu phấn đấu đã giao tại Quyết định số 238/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế, thu NS quý I mới đạt 23,9%, một số khoản thu lớn và địa bàn trọng điểm thu còn chậm so với yêu cầu đề ra. Cụ thể: Một số khoản thu đạt tỷ lệ còn thấp như: Thuế BVMT đạt 18,4%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 13,2%; tiền thuê mặt đất, mặt nước đạt 21,4%; thu cổ tức và lợi nhuận được chia đạt 13,9%; một số tỉnh, thành phố tỷ lệ thu so với dự toán pháp lệnh chưa cao như: Đồng Nai đạt 21,3% dự toán pháp lệnh, Lào Cai 21,2%, Phú Thọ 20,2%, Hà Giang 18,6%, Sơn La 17,6%; Tình hình nợ đọng thuế còn phức tạp, mặc dù trong quí I/2019 đã truy thu được 7.450 tỷ đồng, nhưng lại phát sinh các khoản nợ đọng mới.

Tiến độ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch, chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra tại một số địa bàn chưa cao. Tính đến cuối quý I/2019 toàn quốc mới thực hiện đạt 9,28% kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo Quyết định số 133/QĐ-TCT (thanh tra đạt 6,42%, kiểm tra đạt 9,54% so với kế hoạch).

Công tác chống thất thu đối với khu vực DN nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh tại một số địa bàn còn chưa được triển khai quyết liệt, chưa phối hợp tốt với các cơ quan trên địa bàn để xác định đúng doanh số, áp dụng mức thuế khoán đối với các hộ, cá nhân kinh doanh chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực như: cho thuê nhà, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải...

Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng

Đặc biệt, vấn đề nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến 31/3/2019 số nợ đọng là 82.972 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019, tăng 8,7% (+6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018; giảm 0,8% (-686 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 (31/3/2018). Trong đó: Tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng số tiền thuế nợ thuế và nợ không còn khả năng thu là 37.640 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế.

Tình hình nợ đọng thuế trong quý 1/2019 diễn biến phức tạp và đang có xu hướng tăng dần lên qua các tháng. Ngoài nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận NNT chưa cao, chưa nộp đúng, đủ, kịp thời số phát sinh phải nộp vào NSNN theo quy định của pháp luật thì còn có nguyên nhân chủ quan do các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế nên hiệu quả công tác thu nợ chưa cao.

a1.jpg

Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM Trần Ngọc Tâm phát biểu tại Hội nghị

Nợ đọng thuế tăng ở hầu hết các địa phương, ngoài nguyên nhân khách quan, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản và một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao và số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được, số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên thì nguyên nhân chủ quan là do:

Các doanh nghiệp kê khai thuế tháng 12/2018, quý 4/2018 và quyết toán thuế năm 2018 phát sinh thuế phải nộp nhưng chưa nộp kịp thời, đúng hạn vào ngân sách nhà nước.

Qua kiểm toán quyết báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 tại các địa phương, Kiểm toán nhà nước kiến nghị ghi tăng thêm số nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (3.440 tỷ) của các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, chưa đi vào khai thác sử dụng, cơ quan thuế đã kiến nghị UBND địa phương, Bộ Tài nguyên môi trường thu hồi đất, thu hồi dự án và Cục Thuế các địa phương chưa tổng hợp vào tổng số nợ đọng.

Chia sẻ thêm với Hội nghị về vấn đề thu hồi nợ đọng tại Cục Thuế Hà Nội, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, thời điểm 31/3/2019, tổng nợ do đơn vị quản lý là 21.346 tỷ đồng, tăng 2.160 tỷ (tăng 12,4%) so với 31/12/2018. Nguyên nhân nợ thuế, phí tăng so với đầu năm là do phát sinh nợ từ quyết toán thuế năm 2018. Một số DN nộp sang tháng 4/2019, một số DN chưa thu xếp ngay được nguồn để nộp.

Cục Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, thu và xử lý điều chỉnh nợ năm 2018 chuyển sang được 1.748 tỷ đồng. Trong đó thu xử lý nợ thuế, phí: 853 tỷ; thu xử lý nợ các khoản liên quan đến đất 375 tỷ. Thu xử lý nợ tiền phạt và tiền chậm nộp: 520 tỷ. Số nợ đọng đến thời điểm 30/4/2019: 20.010 tỷ, giảm 1.336 tỷ đồng (6,3%) so với thời điểm 31/3/2019.

Ông Trần Ngọc Tâm, Cục Thuế TPHCM cho biết nguyên nhân số thu 3 tháng đầu năm của TP.HCM thấp hơn cùng kỳ năm 2018 chủ yếu do nguyên nhân thu từ đất giảm. Số thu từ đất quý I/2019 thấp hơn cùng kỳ 2018 khoảng 5.000 tỷ.

Ngoài ra, nợ quý I so với 2018 tăng chủ yếu phát sinh tiền thuê đất 1800 tỷ. Có những khoản nợ ghi nhận nợ nhưng kê khai một chỗ khác nên thông báo chưa về kịp, số nợ tương đương 1827 tỷ đồng.

Theo ông Tâm, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tính đến thời điểm 31/3, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, thu được 2.476 tỷ đồng, tương đương 11,24% trên tổng số nợ tính đến thời điểm 31/12/2018 là 22.029 tỷ đồng.

a Thanh.jpg

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tập trung báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như một số vướng mắc trong quá trình thực hiện sáp nhập các Chi cục thuế thành Chi Cục thuế khu vực tại một số địa phương như Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh hay Hải Dương.

Quyết liệt hơn, chuyên tâm hơn, minh bạch hơn để kết quả tốt hơn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự vui mừng và chúc mừng những kết quả khả quan của ngành Thuế đã đạt được trong Quý I/2019. Đây là nền tảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách 2019.

Điểm lại một số kết quả nổi bật của công tác thuế trong quý I/2019, Bộ trưởng cho rằng công tác cải cách tốt nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đã đặt ra. Do đó, cần tiếp tục rà soát thực hiện hóa đơn điện tử, gắn với đó là công tác cải cách bộ máy, tính giản biên chế “Chúng ta đang đi đúng hướng nhưng đã đáp ứng được yêu cầu chưa thì chưa”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng khẳng định: việc cải cách hành chính, tạo thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp giúp cho kinh tế phát triển và ngân sách có nguồn thu bền vững. “Trên cần có chủ trương đúng, triển khai nghiêm và dưới phải thực hiện đồng bộ mới đạt hiệu quả cao”, Bộ trưởng nói.

Với tinh thần “Quyết liệt hơn, chuyên tâm hơn, minh bạch hơn để kết quả tốt hơn”, Bộ trưởng đề nghị ngành Thuế tập trung triển khai thực hiện một số nội dung cho công tác thuế các quý còn lại của năm 2019 nhằm thực hiện được nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao cho ngành Thuế.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn chỉnh chương trình pháp luật theo chương trình Bộ giao, trong đó đặc biệt chú ý đến 2 dự án quan trọng đó là Luật Quản lý thuế (dự kiến được QH thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019); Đối với Nghị quyết về xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019.

Rà soát lại công tác hiện đại hóa, cải cách hành chính, sự phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính. Trước khi có giải pháp căn cơ, đồng bộ, các địa phương cần chủ động thực hiện và Tổng cục Thuế cần có sự hậu thuẫn kịp thời.

Thứ hai, tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường báo cáo thường xuyên với các cấp ủy, chính quyền địa phương để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn. Thực tế cho thấy những địa phương nào có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và chính quyền địa phương sẽ giúp công tác thu NSNN được thuận lợi hơn “công tác quản lý thu không chỉ mình ngành Thuế làm được mà cần sự phối hợp chặt chẽ với cơ sở, chính quyền địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

DSC_0270.JPG

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Bộ trưởng
và khẳng định quyết tâm của toàn ngành Thuế trong việc khắc phục tồn tại, khó khăn
để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao năm2019

Thứ ba, đối với công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, Bộ đã ban hành Chỉ thị 04, yêu cầu ngành Thuế tiếp tục thực hiện và triển khai ngay từ ngày đầu tháng đầu. Công tác thanh kiểm tra cũng cần được quyết liệt triển khai để tăng thu cho NSNN..

Thứ tư, đẩy mạnh kiểm tra giám sát kê khai của NNT, quản lý, giám sát chặt chẽ công tác hoàn thuế đảm bảo nhanh, tạo điều kiện cho DN, người dân thực hiện sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên “nhanh nhưng cần thận trọng” Có kế hoạch cụ thể kiểm tra đối với những DN có rủi ro cao về thuế và kiên quyết xử lý đối với những vụ việc sai phạm.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Theo Bộ trưởng, đây thực sự là một công đoạn quan trọng của công tác quản lý thuế. Chính sách thuế lớn, khối lượng công việc lớn. Do đó cần có chương trình tuyên truyền một cách căn cơ, cụ thể. “Làm cách nào cho NNT hiểu được chính sách thuế để chủ động nộp đúng, nộp đủ”. Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian qua những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền như Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế Tp.HCM, và những điển hình này cần được lan tỏa rộng đến các địa phương khác trong cả nước.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện đề án thu thuế điện tử đối với khu vực ngoài quốc doanh, nhất là các hộ kinh doanh. Triển khai đề án hóa đơn điện tử. Đề án kế toán thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để thúc đẩy DN phát triển.. Xây dựng dữ liệu CSQG về NNT; Thực hiện giám sát thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử...vẫn tiếp tục là những nội dung được chú trọng thực hiện trong thời gian tới.

Thứ bảy, công tác tổ chức cán bộ, luân phiên luân chuyển cán bộ, sắp xếp bộ máy, sáp nhập Chi cục thuế thành Chi cục Thuế khu vực cần tiếp tục được quyết liệt triển khai “Chủ trương đã có, giải pháp đã có, có chăng chỉ là tư tưởng và tinh thần tiến công”, Bộ trưởng nói.

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo

CV 974

lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định ban hành quy định danh mục tài sản cố định đặc thù và danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 25 | lượt tải:8

828/STC-GCS

Mời tham gia xác định giá trị các bộ phận của xe ô tô bị thiệt hại theo Yêu cầu định giá số 175/YC-VPCQCSĐT ngày 11/12/2023 của Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh

Thời gian đăng: 25/03/2024

lượt xem: 227 | lượt tải:28

300/TB-HĐĐGTS

Thông báo Về việc lựa chọn tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tư vấn xác định giá trị thị trường của thửa đất số 530, tờ bản đồ số 18 tọa lạc tại ấp 5, xã Minh Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (tại thời điểm: tháng 05/2020)

Thời gian đăng: 06/02/2024

lượt xem: 263 | lượt tải:28

336/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường, công tác quản lý giá - công sản tháng 1/2024 và tình hình giá cả thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024-

Thời gian đăng: 01/02/2024

lượt xem: 333 | lượt tải:57

40/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 12/2023, quý 4/2023 và công tác quản lý giá - công sản tháng 12/2023

Thời gian đăng: 05/01/2024

lượt xem: 275 | lượt tải:46
Thống kê
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay551
  • Tháng hiện tại42,428
  • Tổng lượt truy cập6,904,644
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây