Nhiều nút thắt cần tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân vốn vay ưu đãi

Thứ năm - 27/06/2019 14:17
Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi được tổ chức vào sáng ngày 26/6/2019 tại Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết tình hình phân bổ đầu tư công trung hạn chậm và phải thay đổi, điều chỉnh nhiều. Bên cạnh đó, dự toán từ vốn đầu tư của nguồn ODA chưa được triển khai kịp thời. Chính vì vậy nhiều dự án thiếu nguồn vốn để giải ngân. Trong thời gian tới sẽ phải sửa lại một số quy định cho phù hợp với tình hình mới. Chậm giải ngân do nhiều nguyên nhân

Trình bày tại Hội nghị về việc giải ngân chậm trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN) Trương Hùng Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, ước lũy kế giải ngân vốn nước ngoài dành cho cấp phát đầu tư phát triển được 2.050 tỷ đồng đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao (7,16% kế hoạch vốn do Bộ KH&ĐT giao); Chi thường xuyên: 833 tỷ đồng đạt 17,85% dự toán Quốc hội phê duyệt; Cho vay lại đối với chính quyền địa phương: khoảng 216 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công: 7.664 tỷ đồng đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại. Tình hình trên cho thấy, tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 là rất chậm, đòi hỏi phải có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy giải ngân theo kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\26.6 QLN\DSC_0124.JPG

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ

về các ý kiến góp ý tại Hội nghị trực tuyến

Sở dĩ việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân do kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu; Kế hoạch đầu tư công 2019 phân bổ chậm; Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công chậm;

Ông Long cho biết, qua theo dõi, Bộ Tài chính nhận thấy việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài, trong một số trường hợp việc chuẩn bị đầu tư kéo dài dẫn đến thời gian triển khai dự án là không đủ và chủ dự án buộc phải làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án. Từ đầu năm đến nay, đã có 37 Hiệp định vay đã phải làm thủ tục gia hạn với nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, mọi thay đổi về quy mô, phạm vi, nội dung và sử dụng vốn dư đều cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Số dự án phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trong nửa đầu năm 2019 là 26 chương trình, dự án. Điển hình là các dự án đường sắt đô thị với tổng vốn đã ký kết gần 4,5 tỷ USD trong đó 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc bố trí nguồn vào giải ngân cho các dự án này đến nay vẫn đang đình trệ. Để có thể nhanh chóng ký kết dự án, nhiều bộ ngành và địa phương đã cam kết bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều dự án chưa được bố trí hoặc bố trí không đủ vốn đối ứng dẫn đến việc triển khai các dự án là rất chậm. Trong nhiều trường hợp, các dự án mặc dù được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng công tác triển khai rất chậm. Điều này cho thấy, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư vấn thiết kế dự án, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư... thường là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm triển khai dự án (Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 vay vốn ADB; Dự án Y tế tuyến tỉnh vốn vay KFW).

Về thủ tục cho vay lại, đại diện Cục QLN cho biết cũng còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, việc cho vay lại theo cơ chế cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng chủ yếu được thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN). Tuy nhiên, công tác thẩm định tài chính, thẩm định tài sản đảm bảo, ký kết và quản lý hợp đồng ủy quyền cho vay lại thường chậm. Ví dụ: Dự án khoản vay truyền tải điện 3 vay vốn ADB, Dự án nâng cao chất lượng đại học vay vốn WB...

Vướng mắc khi thẩm định cho vay lại địa phương chủ yếu do các địa phương không đáp ứng được các điều kiện được vay lại nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ như: Dự án chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Trung ương được giao trong giai đoạn thực hiện (Thẩm định dự án của 18 tỉnh thì có 16 tỉnh không có kế hoạch đầu tư công trung hạn); Địa phương có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày (có 2/18 tỉnh);

Giải pháp nào hữu hiệu?

Việc chậm trễ tiến độ giải ngân niên độ 2019 là mối quan tâm lớn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chủ quản, chủ dự án cũng như của các nhà tài trợ. Ngày 17/6 vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia ODA và vốn vay ưu đãi cũng đã họp với nhóm 6 đối tác phát triển (WB, ADB, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, và Pháp) về chủ đề này.

Tại Hội nghị trực tuyến, các đại biểu đại diện các Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Cần Thơ… và đặc biệt là khuyến nghị của 6 Ngân hàng phát triển (ADB,AFD, JICA, K-EXIM, KFW, WB) đã có nhiều khuyến nghị cũng như giải pháp để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi.

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất triển khai các giải pháp như sau: Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi; Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020; Nhằm thúc đẩy nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2019.

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\5. Ta Vu Thu Hang\Thang 6\26.6 Hoi nghi QLN\A Hung Long.JPG

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại 
đề xuất các giải pháp tổng thể và chi tiết cho các vấn đề cần tháo gỡ

Riêng Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc đánh giá 1 năm triển khai Luật quản lý nợ công, Bộ Tài chính sẽ đồng thời rà soát và đánh giá lại các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công trong đó có Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Ban hành và tổ chức phổ biển thông tư thay thế Thông tư số 111/2016/TT-BTC về hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Về Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển không vay cho chi thường xuyên, Bộ Tài chính sẽ tổ chức triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành;Kho bạc nhà nước nhanh chóng triển khai Nghị định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc nhà nước ngay sau khi Chính phủ ký ban hành; Tiếp tục rà soát quy trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, KBNN để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 04 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm.

Ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đại diện cho 6 Ngân hàng phát triển cho rằng: Tiến độ giải ngân các dự án ODA chậm, không chỉ các khoản vốn ODA mà ngay cả ngân sách của Nhà nước cũng chậm, gây tác động không tích cực tới phát triển. Các cổ đông của 6 nhà tài trợ tỏ ra quan ngại về việc các dự án phải được giải ngân nhanh, để đưa ra các mặt tích cực về phát triển. “Thời gian trước, Việt Nam có tốc độ giải ngân nhanh và đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, trong mấy năm qua tốc độ bị chậm lại, trung bình chỉ bằng ½ so với giai đoạn trước và ½ so với các quốc gia khác đang nhận tài trợ của chúng tôi. Tình hình giải ngân xấu đi kể từ năm 2014, tỷ lệ giải ngân năm 2018 chỉ ở mức 11,2%. Chênh lệch giải ngân năm 2018 khoảng 1,8 tỷ USD (gần 0,75% GDP). Dựa trên khảo sát tại 81 đơn vị thực hiện dự án vào quý I/2019 cho thấy có 5 vấn đề lớn ảnh hưởng đến thực hiện dự án và có 4 vấn đề lớn ảnh hưởng đến giải ngân. Đây là vấn đề quan ngại lớn”-ông Eric Sidgwick bày tỏ lo ngại. Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho biết thêm, các nhà tài trợ đã trao đổi với ủy ban quản lý vốn ODA của Việt Nam và Bộ Tài chính. Và Ủy ban thường trực ODA đã có một vài khuyến nghị cho từng vấn đề đang vướng mắc như:

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\5. Ta Vu Thu Hang\Thang 6\26.6 Hoi nghi QLN\ADB1.JPG

Ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

Đối với vướng mắc về thủ tục của Chính phủ: Cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các đối tác phát triển để sửa đổi Nghị định 132/16 hiện hành để đảm bảo sự thống nhất và rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham gia khác nhau, cần đơn giản hóa các thủ tục và giảm số lượng các bước phê duyệt để phân cấp nhiều hơn đến mức tối đa. Chủ tịch nước có thể xem xét ủy quyền cho Chính phủ, hoặc Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho cấp thấp hơn, tương xứng với mức độ thay đổi. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đến quản lý ODA cần tăng cường phối hợp, tăng cường giám sát và đánh giá với trọng tâm là quy trình đạt hiệu quả và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về các quy định pháp luật mới.

Đối với tính sẵn sàng của dự án: Chính phủ cần giải thích linh hoạt hơn về quy định “xác định được nguồn vốn” trong Luật Đấu thầu. Trong trung hạn, Luật Đấu thầu có thể cần phải sửa đổi. Chủ đầu tư cần phân bổ vốn đối ứng để chuẩn bị thiết kế chi tiết và hồ sơ mời thầu trước khi phê duyệt khoản vay. Điều này có thể được làm rõ trong việc sửa đổi Nghị định 132/16. Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích đấu thầu trước khi phê duyệt/ký thỏa thuận vay.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn (MTIP) cần đơn giản hóa các thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư, đưa dự án vào MTIP và giao kế hoạch vốn hàng năm. Hàng năm cần cập nhật MTIP hoặc có thể là MTIP quay vòng. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính tham vấn ý kiến của các đối tác phát triển khi xây dựng MTIP giai đoạn 2021 – 2025.

Đối với phân bổ ngân sách hàng năm cần giao kế hoạch vốn hàng năm phải được thực hiện vào tháng 1, bao gồm cả trong TABMIS và phù hợp với nhu cầu của Dự án. Tái phân bổ và phân bổ bổ sung vốn nhanh hơn, quy trình đơn giản hơn để phản ánh nhu cầu giải ngân của dự án. Thực hiện phê duyệt MTIP với quy trình một bước để phân bổ ngân sách hàng năm. Cần đảm bảo phê duyệt ngay toàn bộ kế hoạch ngân sách năm 2019 cho các dự án. Nội dung phân bổ vốn hỗ trợ ngân sách cần được làm rõ.

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\5. Ta Vu Thu Hang\Thang 6\26.6 Hoi nghi QLN\Cac nha tai tro.jpg

Đại diện các Ngân hàng phát triển

Đối với thủ tục và thẩm định cho vay lại: Bộ Tài chính chỉ tiến hành quy trình thẩm định đối với hoạt động cho vay lại một lần trong quá trình chuẩn bị Dự án. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tăng cường năng lực cho các tỉnh và các đơn vị sự nghiệp bằng cách ban hành hướng dẫn hoặc danh sách kiểm tra hồ sơ tài liệu cần thiết và thường xuyên tập huấn để đáp ứng các yêu cầu thẩm định. Việc thực hiện Nghị định 197 nên được áp dụng cho các dự án mới và các thỏa thuận đang được thực hiện phải được miễn áp dụng, hoặc ít nhất là áp dụng mà không làm gián đoạn các dự án đang được thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan cho vay lại với các nhiệm vụ và kế hoạch thời gian rõ ràng.

Đối với quy trình và yêu cầu giải ngân: Bộ Tài chính cần đưa ra định nghĩa rõ ràng về “chi thường xuyên” (trong Thông tư 111 sửa đổi); Bộ Tài chính cần xem xét nhu cầu giải ngân của Ban quản lý dự án và xem xét tăng trần biến đổi của Tài khoản đặc biệt từ 3 lên 6 tháng để đáp ứng kịp thời các tình huống trên thực tế trong quá trình thực hiện Dự án; Bộ Tài chính cần giảm thời gian xử lý các đơn rút vốn, sử dụng hoàn toàn giải ngân điện tử và đơn giản hóa các tài liệu cần thiết; Bộ Tư pháp cần đẩy nhanh quá trình ban hành các ý kiến pháp lý cần thiết.

Tại Hội nghị, các Bộ, ngành đều kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét việc giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm để các dự án sớm có nguồn vốn triển khai theo kế hoạch.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về nội dung của Hội nghị ngày hôm nay, trên cơ sở đó, sẽ có những chỉ đạo cần thiết. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét Chỉ thị của Thủ tướng công tác về vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài để tăng cường giải ngân, tăng cường hiệu quả vốn vay trong thời gian tới.

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\5. Ta Vu Thu Hang\Thang 6\26.6 Hoi nghi QLN\TT Bo GTVT.JPG

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh công tác nghiệm thu, thanh toán để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch giao của từng dự án

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\5. Ta Vu Thu Hang\Thang 6\26.6 Hoi nghi QLN\A Minh HN.JPG

  • Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 2235/UBND-KH&ĐT ngày 30/5/2019 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được áp dụng cơ chế giải ngân các dự án ODA của TP. Hà Nội theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định tại Khoản 2 – Điều 76 của Luật Đầu tư công.

Nguồn tin: www.mof.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo

CV 974

lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định ban hành quy định danh mục tài sản cố định đặc thù và danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Phước

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 34 | lượt tải:8

828/STC-GCS

Mời tham gia xác định giá trị các bộ phận của xe ô tô bị thiệt hại theo Yêu cầu định giá số 175/YC-VPCQCSĐT ngày 11/12/2023 của Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh

Thời gian đăng: 25/03/2024

lượt xem: 304 | lượt tải:28

300/TB-HĐĐGTS

Thông báo Về việc lựa chọn tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tư vấn xác định giá trị thị trường của thửa đất số 530, tờ bản đồ số 18 tọa lạc tại ấp 5, xã Minh Long, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (tại thời điểm: tháng 05/2020)

Thời gian đăng: 06/02/2024

lượt xem: 289 | lượt tải:29

336/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường, công tác quản lý giá - công sản tháng 1/2024 và tình hình giá cả thị trường trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024-

Thời gian đăng: 01/02/2024

lượt xem: 357 | lượt tải:60

40/BC-STC

Sở Tài chính tỉnh Bình Phước Báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 12/2023, quý 4/2023 và công tác quản lý giá - công sản tháng 12/2023

Thời gian đăng: 05/01/2024

lượt xem: 296 | lượt tải:46
Thống kê
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay2,131
  • Tháng hiện tại61,455
  • Tổng lượt truy cập6,923,671
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây